Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập theo Quyết định số 142/2003/QĐ-TTG ngày 14/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển khu bảo tồn Thiên nhiên Đất Mũi thành Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Phần trên đất liền của Vườn thuộc địa phận hành chính các xã Đất Mũi, Viên An và Đất Mới thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tổng diện tích tự nhiên: 41.862 ha gồm đất liền và biển. Diện tích phần trên đất liền: 15.262 ha (Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 12.203 ha; Phân khu phục hồi sinh thái: 2.859 ha; Phân khu hành chính dịch vụ: 200 ha). Diện tích phần ven biển: 26.600 ha, phạm vi tính từ mép bờ biển phía Tây ra phía biển.
Thời gian qua, Ban quản lý (BQL) đã tổ chức thực hiện một số hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường như: ban hành các văn bản triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ và phát triển rừng (Danh mục tại Phụ lục kèm theo tại Báo cáo số 120/BC-VQGMCM ngày 16/6/2024 của VQG Mũi Cà Mau về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại VQG Mũi Cà Mau); đã thực hiện một số hoạt động khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, tham gia dự án trồng rừng phòng hộ ven sông, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng ngập mặn tại khu vực bãi bồi cửa sông, có phương án thuê khoán bảo vệ rừng cho 221 hộ với tổng diện tích 931,93 ha, trong đó hỗ trợ một số hộ thuê khoán bảo vệ rừng, du lịch sinh thái cộng đồng, đồng thời đang triển khai lập hồ sơ, trình tự thủ tục khoán theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ, hỗ trợ các hộ nhận thuê, khoán quản lý bảo vệ rừng thực hiện mô hình du lịch sinh thái cộng đồng.
Bên cạnh đó, VQG đã lồng ghép hoạt động về bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vào các chương trình, kế hoạch, đề án hoặc đề tài, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Phương án quản lý rừng bền vững).
Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cũng được chú trọng. Theo đó, năm 2023, các buổi tuyên truyền đã được tổ chức thu hút tham dự 310 lượt người, các buổi tập huấn với 892 lượt người tham dự đã nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ đối với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Song song với đó, công tác huy động phối hợp lực lượng tuần tra, kiểm tra, truy quét, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm ngày càng chuyên nghiệp; xây dựng được mạng lưới bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng mạng lưới cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương kiện toàn 13 Tổ Quản lý, bảo vệ rừng.
Ngoài ra, VQG Mũi Cà Mau đã thực hiện kê khai đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 9.292,53 ha, cấp ngày 25/4/2014. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tiếp tục kê khai đăng ký đất đai và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp bổ sung phần diện tích còn lại. Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý hiện tại phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao; phát huy vai trò, trách nhiệm trong quản lý, điều hành; năng lực của viên chức được phát huy.
Đặc biệt, BQL VQG đã ứng dụng thành công khoa thuật – kỹ thuật chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học bằng giải pháp lắp đặt camera chuyên dụng để quản lý, bảo vệ rừng, biển và khu vực bãi bồi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Theo đó, trong năm 2023, Vườn đã chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý các vu vi phạm: 16 vụ về lĩnh vực lâm nghiệp và 55 vụ về lĩnh vực thủy sản trên phạm vi Vườn./.
NBCA