Việt Nam chưa thả muỗi biến đổi gene

Theo Công ty Oxitec, Việt Nam là một trong những nước được đề xuất thử nghiệm muỗi biến đổi gene để chống lại bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Việt Nam chưa có ý định thả loại muỗi này ra ngoài môi trường.

 

Trong một thông cáo báo chí đưa ra hồi gần đây, Công ty Oxitec loan báo đã thả muỗi biến đổi gene ngoài thực địa ở một số nơi thuộc quần đảo Cayman, Malaysia và Brazil, và dự định sẽ thả tiếp ở quần đảo Florida Keys (Mỹ). Việt Nam nằm trong số các quốc gia được đề xuất thả muỗi biến đổi gene. Ngoài Việt Nam còn có Panama, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Philippine, Costa Rica, Trinidad & Tobago.

Chu du khắp nơi

Tuy nhiên, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định Việt Nam chưa có ý định thả loại muỗi này. “Các nhà khoa học Việt Nam cũng rất quan tâm tới muỗi biến đổi gene và coi đó là một hướng để thu thập tài liệu khoa học. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có kế hoạch thả loại muỗi này”, ông Dương nói.

Về khả năng muỗi biến đổi gene có thể bay lan đến Việt Nam khi Malaysia đã thả loại muỗi này và đang có kế hoạch thả ở những khu vực dân cư đông đúc, ông Dương cho biết, muỗi trong tự nhiên chỉ bay trong khu vực có bán kính vài ba trăm mét. Vì thế, muỗi biến đổi gene không thể bay trực tiếp từ Malaysia sang Việt Nam. Tuy nhiên, chúng có thể chui vào trong hành lý, kiện hàng… trên các phương tiện vận chuyển như máy bay, tàu thủy và đi khắp nơi.

Giống như muỗi truyền sốt xuất huyết Aedes Aegypti có nguồn gốc từ châu Phi, nhưng ngày nay chúng đã dần lan tràn ra hầu hết các khu vực có khí hậu nhiệt đới nhờ tàu thuyền và sau đó có thể cả máy bay. Vì thế, không ai có thể khẳng định chắc chắn khi nào muỗi biến đổi gene sẽ đến Việt Nam.

Còn nhiều tranh cãi

Hôm 12/1, tổ chức phi chính phủ GeneWatch đưa ra một thông cáo báo chí nói rằng một tập tài liệu nội bộ mật mà các tổ chức GeneWatch, Friends of the Earth, Third Word Network có được cho thấy, muỗi biến đổi gene thực ra vẫn có thể đẻ con. Con của chúng có 15% khả năng sống sót trong điều kiện môi trường sống có chứa kháng sinh phổ biến tetracycline. Chất kháng sinh tetracycline được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp và thường có trong nước cống cũng như thịt của những gia súc nuôi theo kiểu công nghiệp. Vì thế muỗi rất dễ tiếp xúc với tetracycline trong môi trường.

Các tổ chức phi chính phủ cho rằng, Oxitec cố tình che giấu bằng chứng cho thấy công nghệ của họ không thể ngăn chặn khả năng sinh sản của muỗi trong điều kiện môi trường có chứa chất kháng sinh tetracycline nồng độ thấp. Kể cả trong môi trường không có chất tetracycline, muỗi biến đổi gene vẫn có thể sống sót với tỷ lệ khoảng 3%. Khi đưa ra thực tế, tỷ lệ này có thể tương đương với một lượng muỗi khổng lồ nếu nhiều triệu con muỗi được thả ra. Theo các tổ chức phi chính phủ, “Oxitec bị nhiều người chỉ trích vì đã đặt lợi ích thương mại lên trên sự an toàn của cộng đồng và môi trường.”
Đáp lại, Oxitec nói rằng những lời cáo buộc mà các tổ chức đưa ra là nói về một nghiên cứu từ 5 năm trước và cực kỳ dễ gây nhầm lẫn. “Tetracycline có thể tìm thấy trong môi trường ở một số khu vực biệt lập và không đủ liều lượng để giúp muỗi sống sót,” Oxitec viết trong thông cáo.

Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ cho rằng đợt thả muỗi biến đổi gene đầu tiên ở quần đảo Cayman diễn ra trong bối cảnh còn nhiều tranh cãi vì chưa có luật hay quy định nào về an toàn sinh học ở đây. Nhiều người lo lắng rằng quy trình này thiếu khách quan, thiếu khảo sát kỹ lưỡng và có sự mâu thuẫn về quyền lợi.

Muỗi biến đổi gene vốn là sản phẩm của Công ty công nghệ sinh học Oxitec (có trụ sở tại Anh). Ý tưởng nghiên cứu loại muỗi này dựa trên hoạt động giao phối của bản thân loài muỗi. Muỗi chuyển gene được bổ sung hai đặc điểm mới so với loại muỗi thường là chúng chứa gen phát huỳnh quang và gen gây chết có điều kiện (còn gọi là gene làm giảm sức đề kháng). Đặc điểm phát huỳnh quang hoạt động như một dấu hiệu để nhận diện muỗi biến đổi gene trong khi gene gây chết sẽ làm muỗi và các ấu trùng chết trong những điều kiện nhất định. Khi muỗi biến đổi gene đực giao phối với muỗi cái trong tự nhiên, gene gây chết sẽ được truyền lại cho thế hệ con cháu và các ấu trùng, kết quả là chúng sẽ chết trong điều kiện thiếu vắng kháng sinh tetracyline.

Từ tháng 5 – 10.2010, Oxitec đã thả ba đợt muỗi biến đổi gene trên diện tích 16 ha tại quần đảo Cayman thuộc Anh. Lượng muỗi nơi đây đã giảm 80% so với các khu vực lân cận chỉ trong vòng 6 tháng. WHO dự đoán, mỗi năm trên thế giới có khoảng 50 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25.000 trường hợp tử vong. Nơi bị dịch sốt xuất huyết đe dọa nhiều nhất là Đông Nam châu Á và phần lớn châu Phi.

(Theo Trung tâm Giáo dục và bảo vệ thiên nhiên-ENV)

Theo Báo Đất Việt