Thú vườn quốc gia Cát Tiên – nguồn: cattiennationalpark.com.vn
Vườn Quốc gia Cát Tiên được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập Khu rừng cấm Nam Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên và Khu Bảo tồn tê giác Cát Lộc, nằm trên địa bàn của 3 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Lâm Đồng. Diện tích khu vực trung tâm của vườn là 71.920 ha, trong đó, 39.627ha thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, 27.850ha thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng và 4.443ha thuộc địa phận tỉnh Bình Phước.
Khu DTSQ Cát Tiên thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình phước, Lâm Đồng và Đắc Lắc được công nhận ngày: 10/11/2001 với tổng diện tích: 728.756 ha; dân số: khoảng 170.500 người; sau khi mở rộng thêm vùng lõi và đổi tên thành khu DTSQ Đồng Nai đã được UNESCO công nhận ngày 28/6/2011 với 969.993 ha; số dân: khoảng 170.500 người.
Khu đất ngập nước Bàu Sấu trong VQG Cát Tiên đã được công nhận là Khu Ramsar vào năm 2005.
Vườn Quốc gia Cát Tiên là khu vực hiện bảo tồn được nhiều loại động, thực vật quý hiếm; là vùng quan trọng để duy trì hệ sinh thái rừng thường xanh lá rộng – môi trường sống duy nhất (hiện còn) của loài tê giác một sừng ở Việt Nam, khu vực Đông Dương cũng như trên thế giới. Độ che phủ của rừng tự nhiên trong khu vực này lên tới 80%, với hệ sinh thái đa dạng: rừng thường xanh ẩm, đồng cỏ và ngập nước. Địa hình tự nhiên xen kẽ các bàu, đầm, suối, cộng với hơn 90km sông Đồng Nai đã tạo nên cảnh quan đặc trưng cho vườn Cát Tiên, với những ghềnh, thác, các khu đất ngập nước và bán ngập nước,… Những dấu tích về địa chất, địa mạo minh chứng cho quá trình biến đổi của thiên nhiên ở khu vực này hàng triệu năm trước. Hiện nay, Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, đã được UNESCO ghi danh. Theo số liệu thống kế, trong Vườn Quốc gia Cát tiên có 1.610 loài thực vật và 1.568 loài động vật. Trong đó, 31 loài thực vật và 84 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 50 loài chim được ưu tiên bảo vệ ở mức độ toàn cầu và được ghi vào Sách Đỏ IUCN, 2008). Đặc biệt, có 3 loài và phân loài thuộc đặc hữu của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong là chà vá chân đen, tê giác một sừng Việt Nam và hoẵng Nam Bộ.
Phần lớn diện tích của Cát Tiên nằm trong vùng địa hình chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng Nam Bộ, bao gồm các kiểu địa hình đặc trưng của phần cuối dãy Trường sơn và địa hình vùng Đông Nam Bộ. Vườn có hệ sinh thái đất ngập nước nội địa ven sông, một loại đất ngập nước rất độc đáo của Việt Nam và thế giới; bao quanh đất ngập nước là rừng tự nhiên, bao gồm sông, suối, thác, ghềnh, thung lũng, bàu, đầm lầy và các vùng bán ngập nước… Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1997. Trong khu vực Cát Tiên có nhiều địa điểm cảnh quan đẹp, như thác Trời, thác Bến Cự, thác Dựng, thác Mỏ vẹt, thác Nơkrót – Nơkrót… Một trong số những hệ sinh thái nổi bật ở đây là hệ thống sông và các bàu. Sông Đồng Nai, có diện tích lưu vực là 40.800 km2; đoạn chảy qua Vườn Quốc gia Cát Tiên dài khoảng 90km. Suối Đắc Lua dài khoảng 20 km, gom nước từ các bàu ra sông. Bàu Sấu là bàu lớn nhất, có diện tích mặt là 92,63 ha. Trong bàu có khoảng 100 cá thể cá Sấu Xiêm. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của loài cá lăng nổi tiếng. Bàu Cá là hồ nước tự nhiên, có diện tích mặt nước 74,3 ha. Bàu Bèo có diện tích 23,92 ha. Xung quanh bàu được bao bọc bởi nhiều cây gỗ lớn… Trong khu vực Cát Tiên còn có diện tích đồng cỏ khá rộng, nơi bảo tồn các loài thú lớn quý hiếm (bò tót, hoẵng), được bảo vệ tốt, hầu như không có tác động của con người.
Về hệ thực vật của khu vực Cát Tiên: Nổi bật là rừng thường xanh lá rộng, với diện tích 17.819 ha, nơi có các loài thực vật chủ yếu thuộc họ dầu, như dầu rái, dầu lông,… cẩm lai Bà Rịa, cẩm lai, gõ, giáng hương,… và các loài gỗ lớn…; rừng thường xanh nửa rụng lá có diện tích 5.097 ha, gồm những loài cây gỗ rụng lá vào mùa khô, như bằng lăng ổi, râm,…, các loài cây gỗ lớn rụng lá và hồi lại vào mùa mưa; rừng cây gỗ xen tre nứa có diện tích 14.361 ha…; rừng tre nứa thuần loại có diện tích 29.805 ha, được hình thành dưới tác động của con người, với các loài tre Lồ Ô, mum, tre gai (la ngà); thảm thực vật ngập nước và bán ngập nước có diện tích 3.516 ha, phân bố chủ yếu ở vùng trung tâm khu vực Nam Cát Tiên.
Chim vườn quốc gia Cát Tiên – nguồn: cattiennationalpark.com.vn
Các dấu tích khảo cổ học cho thấy, trong khu vực này đã từng tồn tại một nền văn hóa cổ. Trong lịch sử, khu vực Cát Tiên và vùng phụ cận là không gian cư trú của nhiều dân tộc thiểu số: Mạ, Chơro, S’Tiêng, Mnông, Tày, Nùng, H’mông, Dao, Hoa, Mường, Ê đê,… Các dân tộc này hiện còn bảo lưu nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc, như lễ hiến tế trâu của người S’Tiêng và Mạ, lễ hội Sayangva (Mừng lúa mới) của dân tộc Chơro, lễ mừng lúa mới của dân tộc S’Tiêng và Mnông… và nhiều phong tục, tập quán, nghề thủ công cần được nghiên cứu, bảo tồn.
Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện được 12 di chỉ khảo cổ học dạng gò (vốn là phế tích những đền, tháp) trong khu vực Cát Tiên, cùng nhiều hiện vật, phế tích kiến trúc khác. Tại di tích Gò 1, nằm trên “Đồi Khỉ” (cao khoảng 50m) đã phát hiện được phế tích kiến trúc bằng gạch, gồm tháp thờ, tiền sảnh và kiến trúc ở hai bên đường phía trước… Trong khu vực này cũng đã tìm được một tượng Ganesa, gạch, đá, ngẫu tượng Linga – Yoni, Linga nhỏ bằng thạch anh đặt trên Yoni bằng đồng, hai Linga bằng cuội sông với Yoni bằng gạch, Linga nhỏ bằng vàng,…
Từ góc độ bảo tồn di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, có thể nhận thấy, vườn Quốc gia Cát Tiên bao hàm các mặt giá trị cơ bản sau:
– Vườn Quốc gia Cát Tiên là một khu vực cảnh quan đẹp, còn duy trì được hệ sinh thái ngập nước nhiệt đới, có hệ động, thực vật phong phú, với lịch sử địa chất hàng trăm triệu năm. Mặt khác, tính đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được quốc tế công nhận và khẳng định (Khu Dự trữ sinh quyển thế giới – năm 2001; Khu hệ đất ngập nước bàu Sấu được ghi tên vào danh sách Ramsar năm 2005). Đây chính là cơ sở cho việc bảo tồn thiên nhiên và khai thác các giá trị cảnh quan để phát triển du lịch, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.
– Trong khu vực Vườn Quốc gia Cát tiên và vùng phụ cận đã phát hiện được nhiều di chỉ, di tích khảo cổ, với niên đại khá sớm, trải dài nhiều thế kỷ. Từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học, bước đầu có thể khẳng định: trong khu vực này ít nhất đã từng tồn tại một nền văn hóa hưng thịnh từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII sau CN. Và, bộ ngẫu tượng Linga và Yoni khai quật ở di khỉ khảo cổ Cát Tiên (Lâm Đồng) được xem là có kích thước lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Mặt khác, trong lịch sử, khu vực Cát Tiên cũng là địa bàn sinh sống của nhiều tộc người bản địa, với truyền thống văn hóa đa dạng, đặc trưng… Trong thời kỳ chống Pháp, Mỹ, nơi đây cũng từng là căn cứ địa, chiến khu rất quan trọng.
– Ngoài ra, khu vực Cát Tiên còn là địa bàn luôn hấp dẫn các nhà nghiên cứu, khám phá những bí ẩn về thế giới thiên nhiên và hệ sinh thái, là trường học thực tế quan trọng trong việc nghiên cứu về hệ động, thực vật, địa chất, địa mạo cho học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và thế giới.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012).
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH