Vườn quốc gia Mũi Cà Mau bảo tồn hiệu quả các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập theo Quyết định số 142/2003/QĐ-TTG ngày 14/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển khu bảo tồn Thiên nhiên Đất Mũi thành Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau. VQG Mũi Cà Mau được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 05 của Việt Nam và thứ 2.088 thế giới vào ngày 13/12/2012 do là “khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất Việt Nam, lớn thứ hai trên thế giới, vẫn còn nguyên quá trình diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, có tính đa dạng sinh học cao và đáp ứng được nhiều tiêu chí của vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. VQG Mũi Cà Mau là một phần diện tích của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.

Trong nỗ lực thực hiện các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, công tác bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường đã được BQL VQG Mũi Cà Mau thực hiện hiệu quả, mang lại các kết quả tích cực. Theo đó, BQL đã tiến hành lập và cập nhật Danh mục các loài động vật, thực vật (năm 2023); theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; bước đầu điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài động vật hoang dã (lưỡng cư, bò sát); thực hiện một số giải pháp phát triển sinh kế cho người dân vùng đệm nhằm hạn chế áp lực đến công tác bảo vệ rừng, bảo tồn các loài hoang dã; triển khai hoạt động tiếp nhận, cứu hộ và tái thả một số loài động vật về môi trường tự nhiên như khỉ đuôi dài, rùa biển, kỳ đà hoa (hồ sơ được lập đầy đủ, lưu trữ tại Hạt kiểm lâm); hàng năm, Vườn thực hiện báo cáo định kỳ cung cấp thông tin về đa dạng sinh học cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng đặc biệt được chú trọng và tổ chức thực hiện rộng rãi thông qua nhiều hình thức: truyền thông, truyền hình, trang thông tin điện tử VQG, hệ thống bảng pano đặt trên lâm phần, tờ rơi, vật phẩm, ấn phẩm tuyên truyền, phương tiện truyền thông qua đài phát thanh địa phương, tổ chức phát loa lưu động các Đội quản lý bảo vệ, tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người dân, tổ chức các hoạt động truyền thông; lồng ghép vào tuyên truyền hưởng ứng các ngày lễ kỷ niệm liên quan đến môi trường, đa dạng sinh học (Ngày đất ngập nước thế giới; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học; Ngày đại dương thế giới và tuần lễ biển và hải đảo, ngày môi trường thế giới…). Theo đó, trong năm 2023, BQL đã tổ chức các buổi tuyên truyền cho 310 lượt người, tập huấn cho 892 lượt người tham dự nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ đối với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, BQL đã chủ động, tích cực phối hợp thường xuyên tiếp và làm việc với nhiều tổ chức, đoàn công tác, viện trường Đại học trong và ngoài nước về các hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Tiếp nhận các sản phẩm nghiên cứu khoa học từ các tổ chức, cá nhân triển khai nghiên cứu và cập nhật dữ liệu đa dạng sinh học của Vườn; song song với đó, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện vùng đệm; kiểm soát và ngăn chặn các hành vi phá rừng, săn bắt động vật rừng trái pháp luật và các hành vi xâm hại đến Vườn (Quy chế số 01/QCPH ngày 01/01/2022; Kế hoạch số 14/KH-VQGMCM-UBNDHNH-UBNDHNC-UBNDHPT ngày 14/10/2020; Kế hoạch số 16/KHPT-VQGMCM-CATCM ngày 27/11/2020); công tác huy động phối hợp lực lượng tuần tra, kiểm tra, truy quét, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm, săn bắn và buôn bán trái phép các loài động, thực vật quý, hiếm ngày càng chuyên nghiệp. Trong đó, giải pháp lắp đặt camera chuyên dụng để quản lý, bảo vệ rừng, biển và khu vực bãi bồi VQG Mũi Cà Mau đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học tại đây./.

NBCA