Vườn quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng – nguồn: phongnhakebang.vn
Vườn quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng thành lập năm 2001 với tiền thân là Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nằm ở phía Bắc dãy núi Trường Sơn (tọa độ từ 17°21′ tới 17°39′ vĩ bắc và từ 105°57′ tới 106°24′ kinh đông), thuộc địa phận các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và Sơn Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, và được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào ngày 3 tháng 7 năm 2015, là một điểm đến phong phú trong các chương trình tour du lịch Quảng Bình.
Phong Nha Kẻ Bàng là một vùng khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm trung bình chỉ 20 – 240C được đánh giá là một trong hai vùng núi đá vôi rộng nhất thế giới, với diện tích trên 200.000 ha (trong đó, diện tích vùng lõi là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha). Đặc trưng của khu vườn quốc gia này là những kiến tạo đá vôi dạng karst hàng triệu năm tuổi với hơn 300 hang động và hệ thống các sông ngầm. Hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm đang tồn tại, trong đó có nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, chính là nguồn cảm hứng cho du khách và các nhà khoa học về đây khám phá.
Địa chất, địa mạo
Phong Nha – Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu bởi cấu trúc địa lý phức tạp, tập hợp nhiều loại đá khác nhau như sa thạch, thạch anh, phiến thạch, đá vôi chứa silic, đá mac-nơ, đá granodiorite, đá diorite, đá aplite, pegmatite…
Phong Nha – Kẻ Bàng cũng chứa đựng lịch sử phát triển địa chất phức tạp, lâu dài từ 400 triệu năm trước của trái đất. Trải qua các giai đoạn kiến tạo quan trọng và các pha chuyển động đứt gãy, phối tảng, uốn nếp đã tạo ra các dãy núi trùng điệp và các bồn trầm tích bị sụt lún. Những biến động trên cũng đã góp phần tạo nên sự đa dạng về địa chất, địa hình, địa mạo.
Vùng đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng có những đặc trưng toàn cầu trong nhiều giai đoạn phát triển từ Palaeozoic (đại cổ sinh – chừng 400 triệu năm trước) đến giai đoạn cổ sinh muộn kỷ Cacbon và Pecmi (340 – 240 triệu năm trước). Một đặc điểm mang tính đặc thù ở đây là hệ thống sông chảy ngầm và các hang động trong lòng núi đá vôi.
Vùng địa mạo phi đá vôi có đặc điểm chung là núi thấp với thảm thực vật phủ trên bề mặt. Quá trình bào mòn tạo ra các thềm dọc theo các thung lũng của các sông Son, sông Chày hay tại các bờ của các khối núi đá vôi ở vùng trung tâm. Vùng địa hình chuyển tiếp là những dạng khác nhau xen giữa các núi đá vôi.
Hệ thống hang động
Bên cạnh giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, Phong Nha – Kẻ Bàng còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên, những hang động như những lâu đài lộng lẫy trong lòng núi đá vôi được tạo tác từ hàng triệu năm trước.
Khu Phong Nha – Kẻ Bàng có một quần thể hơn 300 hang động lớn nhỏ phong phú, kỳ vỹ được mệnh danh là “ Vương quốc hang động”, nơi tiềm ẩn nhiều điều kỳ lạ và hấp dẫn, là thiên đường cho các nhà khoa học hang động, các nhà thám hiểm và du lịch.
Đến nay, 20 hang động với tổng chiều dài trên 70 km đã được Đoàn khảo sát Hoàng gia Anh phối hợp với Khoa Địa lý Đại học Quốc gia Hà Nội khảo sát có hệ thống, kỹ lưỡng và đã được công bố trên Tạp chí Toàn cảnh và Dư luận-số 48, tháng 7 năm 1994, được đánh giá là một trong những cảnh quan đẹp nhất với các đặc trưng: có sông ngầm đẹp nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, các bãi cát, bãi đá ngầm đẹp nhất, có hồ nước ngầm đẹp nhất, có hang khô rộng và đẹp nhất, có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, là hang nước dài nhất.
Các hang động này có thể chia thành ba hệ thống chính: hệ thống động Phong Nha, hệ thống hang Vòm và hệ thống hang Rục Mòn.
Hệ thống động Phong Nha có tổng chiều dài trên 45km bắt nguồn từ phía nam của vùng núi đá vôi Kẻ Bàng. Cửa chính của hệ thống động này là động Khe Ry và Hang En nằm ở độ cao khoảng 300m so với mặt nước biển, cuối cùng là Động Phong Nha với tổng chiều dài khoảng gần 45 km. Các hang trong hệ thống này phân bổ theo dạng cành cây chạy theo hướng đông bắc – tây nam .
Hệ thống hang Vòm có tổng chiều dài trên 30km bắt nguồn từ hang Rục Cà Roòng, nằm ở độ cao 360m so với mặt nước biển và kết thúc là hang Vòm. Hệ thống hang Vòm nằm trên trục có hướng chung là nam – bắc. Sông Rục Cà Roòng lúc ẩn mình trong núi đá, lúc lại xuất hiện trên những thung lũng hẹp và sâu, cuối cùng đổ ra sông Chày ở cửa hang Vòm. Bao gồm:
Hệ thống hang Rục Mòn nằm ở địa phận huyện Minh Hóa cũng là một trong những hang động lớn nhưng chưa được khai thác nhiều. Hang Rục Mòn có chiều dài 2863m, có độ sâu vòm 49m, trong hang có sông ngầm chảy qua, nhiều nhũ đá được đánh giá rất đẹp và hoang sơ.
Hệ thống sông ngòi và đỉnh núi
Cùng với hệ thống hang động kỳ diệu vườn quốc Phong Nha Kẻ Bàng còn một hệ thống sông ngòi trong vùng khá phức tạp và các sông ngầm dài nhất . Có 3 con sông chính: sông Troóc, sông Chày, sông Son trong khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng với dòng nước trong xanh chảy giữa vùng núi đá có rừng tạo nên cảnh đẹp thơ mộng như bức tranh thuỷ mặc quyến rũ du khách.
Bên cạnh đó, khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng còn có hàng chục con suối và thác nước đẹp như: Thác Gió, Thác Mệ Loan, Suối Nước Moọc phun lên từ chân một dãy núi đá vôi, Suối Trạ Ang…
Phong Nha Kẻ Bàng còn có hàng chục đỉnh núi cao trên 1.000 mét, hiểm trở, chưa từng có vết chân người, là các điểm hấp dẫn thể thao leo núi và thám hiểm. Điển hình là các đỉnh Co Rilata cao 1.128 mét, Co Preu cao 1.213 mét. Xen kẽ giữa các đỉnh núi trên 1.000 mét là những thung lũng phù hợp cho du lịch sinh thái.
Đa dạng sinh học
Trong Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng còn tồn tại một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh ít bị tác động và có tính đa dạng sinh học cao. Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,57% diện tích, trong đó, 83,74% diện tích VQG là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và hầu hết chưa bị tác động.
Tại vùng này theo số liệu điều tra, bước đầu có nhiều loài thực vật đặc hữu của rừng núi đá vôi như Chò đãi, Chò nước, Trầm hương, Nghiến, Sắng, Ba kích và Sao… Phong Nha – Kẻ Bàng ghi nhận sự có mặt của 2.951 loài thực vật thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành. Trong đó có 112 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 39 loài có tên trong Nghị định 32-2006/NĐ-CP, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 01 loài có tên trong các phụ lục CITES. Sự đa dạng về hệ thực vật ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bao gồm cả đa dạng về thành phần loài, về nguồn gen và tài nguyên thực vật. Gần đây, các nhà khoa học phát hiện thêm nhiều loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao ngoài tự nhiên như Bách xanh đá, Lan hài đốm, Lan hài xanh, Lan hài xoắn và nhiều thực vật quý hiếm khác cũng được ghi nhận.
Động vật Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng – nguồn: phongnhaexplorer.com
Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng còn là nơi sinh sống của 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Trong đó, có 110 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 83 loài có trong Sách đỏ Việt Nam. Sự đa dạng về hệ động vật ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bao gồm cả nhóm động vật có xương sống (thể hiện ở đa dạng nhóm thú, nhóm chim, nhóm lưỡng cư – bò sát, nhóm cá) và cả nhóm động vật không xương sống (chân khớp, giun dẹp, thân mềm).
Trong khoảng gần 20 năm qua, 38 loài mới cho khoa học đã lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, trong đó có 02 loài chim, 03 loài ếch nhái, 18 loài bò sát, 06 loài nhện, 09 loài cá. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam, đặc biệt năm 2012, các nhà khoa học ghi nhận mẫu Chuột đá Trường Sơn (Laonastes aenigmamus) thuộc giống Laonestes tại khu vực mở rộng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng – đây là một đại diện sống duy nhất của họ thú cổ (Diatomyidae) được xem là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Đây là loài mới phát hiện tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và là loài mới bổ sung vào danh lục thú Việt Nam. Việc phát hiện loài Chuột đá Trường Sơn là một trong các ghi nhận quan trọng về đa dạng sinh học của VQG và của thế giới, khẳng định nhóm động vật này không chỉ sinh sống giới hạn ở Lào mà còn cả ở Việt Nam.
Rừng trên núi đá vôi là nơi phân bố nhiều loài Linh trưởng nhất Việt Nam, gồm 10 loài được ghi nhận, chiếm khoảng 50% tổng số loài thuộc bộ Linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài Linh trưởng thuộc bộ Linh trưởng được liệt kê vào Sách Đỏ Việt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là voọc Hà Tĩnh, sao la, mang. So với các khu bảo tồn và vườn quốc gia khác ở Việt Nam thì độ phong phú của các loài động vật ở Phong Nha-Kẻ Bàng còn khá cao. Các loài quý hiếm, đặc biệt Linh trưởng có số lượng cao nhất trong nước. Vì thế, nơi đây được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt trong các hang động của vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có các loài động vật kỳ lạ, rất nhiều loài động vật sinh sống bên trong động mà không cần ánh sáng như cá, tôm, bò cạp không mắt…
Ngoài sinh cảnh thảm thực vật và động vật hoang dã, Khu Phong Nha-Kẻ Bàng còn là nơi đã từng tồn tại và đang hiện diện cả một hệ di tích lịch sử văn hoá có giá trị cho nhiều thời đại như các di tích khảo cổ học thời tiền sử, văn hoá Chămpa và Việt cổ, di tích căn cứ kháng chiến chống Pháp của vua Hàm Nghi cuối thế kỷ XIX tại núi Ma Rai.
Những địa danh nổi tiếng trên đường mòn Hồ Chí Minh như bến phà Xuân Sơn, bến phà Nguyễn văn Trỗi, Ngầm Trạ Ang, Hang Tám Cô, Hang Y Tá trên đường 20 Quyết Thắng đã đi vào huyền thoại gắn liền với những chiến công hiển hách và sự hy sinh cao cả của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH