Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Điều 17 của Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học”

Thực hiện Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Điều 17 của Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học” (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định), mục đích nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật và khắc phục những vấn đề không phù hợp với thực tiễn, gây ra vướng mắc, bất cập, làm cản trở, hạn chế hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Nghị định gồm 04 điều và 02 phụ lục kèm theo, với những nội dung cơ bản bao gồm:

(i) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

(ii) Sửa đổi, bổ sung Điều 17 Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học.

(iii) Cập nhật các Phụ lục về Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và bổ sung các Biểu mẫu kèm theo Nghị định.

Các nội dung của dự thảo Nghị định chủ yếu kế thừa, sửa đổi, bổ sung các quy định đã có nên về nhân lực, tài chính để bảo đảm triển khai thi hành Nghị định sau khi được thông qua, về cơ bản các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn sử dụng nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực hiện hành.

Dự thảo Nghị định quy định nhiều nội dung mới, liên quan tới nhiều ngành, địa phương, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có năng lực, chuyên môn nhất định, đồng thời phải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chuẩn bị xây dựng chương trình, tài liệu tập huấn về Nghị định này cho lực lượng quản lý chuyên ngành và các đơn vị có liên quan ở cấp Trung ương để thực hiện các nội dung của Nghị định. Tại địa phương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng, cơ quan chức năng khác có liên quan và tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.

Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới cũng được quy định trong dự thảo Nghị định. Theo đó, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác; đảm bảo tính tương thích, không mâu thuẫn với các Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Công ước Đa dạng sinh học, Công ước RAMSAR, Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích), không gây khó khăn, cản trở cho Việt Nam khi thực thi các điều ước quốc tế./.