Cây trồng biến đổi gen và việc ứng dụng trong thời gian tới

Sau 18 năm thử nghiệm và ứng dụng, cây trồng biến đổi gen đã có 18 triệu nông dân ở 27 nước lựa chọn, diện tích hiện nay vào khoảng 175 triệu ha, riêng năm 2013 diện tích canh tác toàn cầu tăng 5 triệu ha.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, cây trồng biến đổi gen là “chìa khóa” đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng cho đến nay, việc mở rộng cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam vẫn còn nhiều tranh luận và đang rất cần những hướng đi phù hợp và chắc chắn.

Với nhiều quốc gia trên thế giới, cây trồng biến đổi gen đã trở nên quen thuộc, đơn cử như Mỹ đã sử dụng 80% ngô và 70% đậu tương chuyển gen để chế biến thức ăn cho gia súc… Ở châu Á, Ấn Độ trồng 8,4 triệu hecta bông GM; Trung Quốc có 3,7 triệu hecta bông, cà chua, đu đủ, mía và trồng thử nghiệm ngô GM; Philippines trồng 0,5 triệu hecta ngô GM (chiếm 19% diện tích trồng ngô toàn quốc. Hiện, trên thế giới có khoảng 25 nước thử nghiệm hoặc sản xuất thử GM. 
 
Trên thực tế, qua nhiều nghiên cứu, cây trồng biến đổi gen đã có nhiều tác động tốt đối với môi trường và thay đổi khí hậu tại Bắc Mỹ và châu Mỹ La tinh. Theo đó, cây trồng biến đổi gen sẽ giúp giảm các yếu tố đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; giảm 356.000 tấn thuốc trừ sâu từ 1996 đến 2008 (tương đương 8%). Chỉ trong năm 2008 đã giảm 34.000 tấn thuốc trừ sâu (tức 10%) cần sử dụng; giảm 14 tỷ kilôgam C02, đóng góp tích cực hạn chế thay đổi khí hậu. Góp phần xóa bỏ nạn đói cho 13 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ trong năm 2009 ở Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Nam Phi và 14 nước đang phát triển khác.
 
Lợi ích kinh tế ròng do GM mang lại ở cấp độ trang trại trong năm 2011 là 19,8 tỷ USD, tương đương với mức tăng trung bình 133 USD/ha. Trong vòng 16 năm (1996 – 2011), tổng mức tăng lên của thu nhập trang trại toàn cầu nhờ ứng dụng cây trồng GM là 98,2 tỷ USD. Trong tổng lợi ích thu nhập canh tác, 49% (tương đương với 48 tỷ USD) có được nhờ năng suất thu hoạch cao hơn do giảm sâu hại, áp lực về cỏ dại và hệ gen được cải thiện, còn lại nhờ việc giảm thiểu chi phí canh tác. Công nghệ kháng sâu (IR) được ứng dụng trong bông vải và ngô đã liên tục góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng năng suất của hạt giống nhờ giảm thiệt hại năng suất do sâu đục phá gây ra. Năng suất trung bình tăng lên trong suốt giai đoạn 1996 – 2011 là trên 10,1% đối với ngô biến đổi gen và 15,8% đối với bông vải biến đổi gen kháng sâu. Chi phí nông dân phải trả để có thể tiếp cận được với công nghệ cây trồng này vào năm 2011 là 21% so với lợi nhuận họ thu lại được từ ứng dụng công nghệ này (tổng cộng 24,2 tỷ USD tổng lợi nhuận thu nhập trang trại, trong đó nông dân thu được 19,8 tỷ USD và chi phí cho chuỗi cung ứng hạt giống là 5,4 tỷ USD).
 
Từ năm 1996 – 2011, cây trồng biến đổi gen “chịu trách nhiệm” cho sản lượng 110 triệu tấn đậu tương và 195 triệu tấn ngô tăng lên trên toàn cầu. Công nghệ này cũng đã góp phần tạo ra thêm 15,8 triệu tấn bông vải và 6,6 triệu tấn cải dầu. Nếu cây trồng biến đổi gen không được thương mại hóa cho hơn 16,7 triệu nông dân sử dụng công nghệ vào năm 2011 thì để đạt được cùng sản lượng, sẽ cần phải có thêm 5,4 triệu ha đậu tương, 6,6 triệu ha ngô, 3,3 triệu ha bông vải và 0,2 triệu ha cải dầu. Diện tích này tương ứng với việc nước Mỹ phải “phình ra” thêm 9% hay Brazil thêm 25% hoặc Liên minh châu Âu 28% (27 thành viên). Cây trồng công nghệ sinh học đã giảm 474 triệu kg thuốc trừ sâu (tương đương 9%) trong giai đoạn 1996 – 2011, tương ứng với tổng lượng hoạt chất trừ sâu lại liên minh châu Âu 27 trong một năm với 3 vụ trồng trọt. Điều này tương ứng với việc giảm tác động lên môi trường 18,1% nhờ giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng trên diện tích trồng cây trồng công nghệ sinh học.
 
Về những nghi ngại GMO có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh khẳng định: “Đến giờ này chưa có bất cứ cơ sở hay bằng chứng nào cho thấy cây trồng biến đổi gen gây ra những tác hại về sức khỏe cho con người cũng như môi trường. Tất cả lo lắng đều chỉ do nó là cái mới, mà cái mới thì dễ có ý kiến này kia, nhưng phải dựa trên chứng cứ khoa học để đánh giá đúng và không để bỏ lỡ cơ hội phát triển”. 
 
Trong bài nói tại Đại học McGill Calestous, Giáo sư Đại học Harvard Juma  nhấn mạnh, các nước đang phát triển sẽ cần phải đổi mới công nghệ nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng chuyển gen để cung cấp đủ lương  thực cho người dân.
 
Giáo sư Juma cho biết trong khi 28 quốc gia đang được hưởng lợi từ các giống cây trồng trồng đó thì không phải tất cả các khu vực của thế giới cũng đang có được những lợi ích đầy đủ từ loại cây trồng này. “Do những thách thức về lương thực trên thế giới ngày càng tăng nên nhân loại phải mở rộng các cách thức và biện pháp giải quyết, gồm cả công nghệ biến đổi gen và các công nghệ khác”, ông Juma nói.
 
Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cách tiếp cận với cây trồng GM ở Việt Nam cần hướng theo một lộ trình phù hợp. Cần thu thập đầy đủ thông tin, phân tích đánh giá khách quan tác động  hai mặt của cây trồng GM và sản phẩm của chúng để hướng tới sự đồng thuận của xã hội và cộng đồng về việc sử dụng cây trồng GM và sản phẩm của cây trồng biến đổi gene; tiến hành các nghiên cứu cơ bản để tạo ra cây trồng GM trên một số đối tượng được lựa chọn; thử nghiệm hoặc gieo trồng trên diện rộng cây trồng GM của một số loài nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học.