Sau khi trải qua các khảo nghiệm diện hẹp một cách khá suôn sẻ ở Việt Nam, các tập đoàn giống hùng mạnh nhất nhì thế giới đã tiếp tục tung ứng cử viên về cây trồng biến đổi gen vào khảo nghiệm diện rộng.
Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Công ty Monsanto Thái Lan) với các Events đăng ký khảo nghiệm: MON 89034, NK603, MON 89034 x NK603. Công ty Syngenta Việt Nam với các Events đăng ký khảo nghiệm: Bt11, GA21, Bt11xGA21 và Công ty Pioneer Hi-Bred Việt Nam với Event đăng ký khảo nghiệm: TC1507. Viện Di truyền Nông nghiệp chịu trách nhiệm triển khai khảo nghiệm sản phẩm của công ty TNHH Dekalb Việt Nam và công ty Pioneer Hi-Bred Việt Nam, còn Viện Bảo vệ Thực vật triển khai khảo nghiệm sản phẩm của công ty TNHH Syngenta Việt Nam.
Nội dung của khảo nghiệm diện rộng sẽ tập trung đánh giá tác động của cây trồng biến đổi gen đối với đa dạng sinh học và môi trường thông qua điều tra đánh giá đa dạng quần thể sinh vật không chủ đích. Đánh giá các đặc điểm nông sinh học và các yếu tố cấu thành năng suất của các giống khảo nghiệm so với đối chứng không chuyển gen. Đánh giá hiệu quả kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ của các giống khảo nghiệm so với đối chứng không chuyển gen.
Việc quản lý cách ly sinh sản đối với các ruộng ngô khác xung quanh khu vực khảo nghiệm ngô biến đổi gen được duy trì bằng các phương pháp sau: Phương pháp cách ly không gian với khoảng cách 200m bán kính xung quanh ruộng khảo nghiệm không được trồng ngô. Phương pháp cách ly thời gian: thời gian gieo hạt được triển khai sau các ruộng ngô xung quanh điểm khảo nghiệm tối thiểu 30 ngày để đảm bảo thời gian trỗ cờ, phun râu của ruộng khảo nghiệm không bị trùng lặp với các ruộng ngô truyền thống xung quanh. Phương pháp trồng hàng bảo vệ xung quanh: sử dụng hàng bảo vệ với khoảng cách 4m bằng giống không chuyển gen xung quanh khu vực khảo nghiệm.
Có thể nói chỉ bằng mắt thường thôi, những đặc tính vượt trội của cây trồng biến đổi gen với giống đối chứng đã là rất thuyết phục. Đoàn chúng tôi đến tham quan giống ngô của Cty Pioneer khảo nghiệm tại Trại sản xuất giống cây trồng Vũ Di, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cây đang trong giai đoạn chín sáp. Sâu đục thân ngô được đánh giá vào 2 thời điểm chính trong các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô. Kết quả cho thấy trên giống ngô không chuyển gen ở giai đoạn V18-VT (trỗ cờ) đã bị sâu đục thân tấn công rất mạnh, trên các lá gần cờ và trên cờ cấp hại trung bình là 7-9. Khi cây ngô vào giai đoạn R2 (chín) thì sự tàn phá của sâu đục thân còn nặng hơn gần 100% cây điều tra đều bị hại tới cấp 9 (cấp cao nhất), chúng tấn công vào tất cả các bộ phận của cây như: lá, thân, bắp, hạt và lõi ngô, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng của ngô.
Còn các giống được chuyển gen kháng sâu đục thân thì sự gây hại của sâu đục thân ngô gần như bằng không. Trong tổng số các cây điều tra chỉ có rất ít số cây có biểu hiện của sự gây hại của sâu đục thân ngô (cấp 1). Kết quả nghiên cứu đa dạng sinh học (đánh giá quần thể bọ đuôi bật Collembola), mức độ chênh lệch giá trị của các chỉ số đa dạng giữa các công thức không đáng kể.
Giống ngô của Cty TNHH Dekalb Việt Nam khảo nghiệm tại Trại sản xuất giống cây trồng Mai Nham – Vĩnh Phúc đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Sâu đục thân ngô được đánh giá vào 2 thời điểm chính trong các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô. Kết quả cho thấy trên giống ngô không chuyển gen (C919) ở giai đoạn V18-VT đã bị sâu đục thân tấn công rất mạnh, trên các lá gần cờ và trên cờ cấp hại trung bình là 7-9. Khi cây ngô vào giai đoạn R2 thì sự tàn phá của sâu đục thân còn nặng hơn gần 100% cây điều tra đều bị hại tới cấp 9 (cấp cao nhất), chúng tấn công không chỉ vào thân mà còn tấn công vào bắp, hạt và lõi ngô, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng của ngô.
Còn các giống được chuyển gen kháng sâu đục thân (MON 89034 và MON 89034 x NK603) thì sự gây hại của sâu đục thân ngô gần như bằng không. Trong tổng số các cây điều tra chỉ có rất ít số cây có biểu hiện của sự gây hại của sâu đục thân ngô (cấp 1)…
Trên cơ sở phân tích đánh giá các kết quả thu được ban đầu từ 2 mô hình khảo nghiệm, Viện Di truyền Nông nghiệp nhận định: Đặc điểm nông sinh học của các giống ngô chuyển gen và giống ngô đối chứng không có sự khác biệt nhưng điểm khác biệt chính là khả năng chống chịu sâu bệnh. Sự gây hại của sâu đục thân trên các giống không chuyển gen ở các giai đoạn sinh trưởng V10 (10 lá), R2 đã được so sánh và cấp hại trung bình là cấp 3 và cấp 8. Giống chuyển gen có tác dụng kháng sâu đục thân nên cấp hại bằng 0.
Các khảo nghiệm diện rộng lần này của cây trồng biến đổi gen sẽ là những bước cuối cùng cho việc chứng minh một cách khoa học loại cây trồng mới có ưu thế lớn so với cây trồng truyền thống. Tất cả sẽ được lập hồ sơ gửi Hội đồng khoa học sinh học của Bộ, Hội đồng khoa học cấp nhà nước để được đăng ký “khai sinh” tại Việt Nam, được sản xuất trên diện rộng.