Đài Loan theo thống kê mới nhất hiện có 23.025.000 người (thấp hơn 3,7 lần dân số nước ta) nhưng chỉ có diện tích là 35.980 km2 (với ¾ diện tích là đồi núi). Mật độ dân cư ở dọc miền tây của lãnh thổ này là rất cao trong khi thiên nhiên không đem lại hầu như bất kỳ tài nguyên khoáng sản nào đáng kể.
Đăng ngày 01-10-2012 trong chuyên mục Tin thế giới
Hơn nữa Đài Loan lại luôn luôn bị đe dọa bởi bão tố và động đất. Như vậy là điều kiện thiên nhiên thua xa so với nước ta. Vậy mà Đài Loan lại đang là một lãnh thổ giàu có với GDP (PPP) là 717,7 tỷ USD (đứng hàng thứ 20 trên thế giới), GDP bình quân đầu người năm 2009 la 29.800 USD. Nhìn trên đường phố hầu như không thấy có người nghèo và chẳng thấy phụ nữ nào mặc quần áo giống với người khác (!). Các siêu thị đầy ắp hàng hóa, phần lớn sản xuất tại Đài Loan. Các hiệu sách tràn ngập sách in tại Đài Loan và thu hút sức mua của Hoa kiều trên khắp thế giới (vì vẫn sử dụng chữ viết dạng phồn thể). Giao thông hết sức tiện lợi và từ cuối năm 2006 đã hoàn thành chuyến đường sắt cao tốc dài 333,5km chạy dọc suốt chiều dài lãnh thổ với tốc độ cao nhất là 316km/h.
Đài Loan đúng là đang có một nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tỷ lệ cơ cấu nông nghiệp chỉ còn 1,6%, công nghiệp – 29,2% và dịch vụ – 69,2%. Đài Loan đang thiếu lao động vì một xã hội đang có xu thế già hóa, với tỷ lệ sinh của phụ nữ bình quân chỉ có 1,15 con và tỷ lệ dân số trên 65 tuổi chiếm đến 10,8% dân số. Vậy mà Đài Loan luôn có tỷ lệ xuất siêu (năm 2009 kim ngạch xuất khẩu lên tới 203,4 tỷ USD, trong đó 31% là xuất sang Trung Quốc).
Tôi hỏi các nhà khoa học Đài Loan mà tôi có dịp gặp gỡ về nguyên nhân nào đã đem lại nền kinh tế phát triển nhanh như vậy. Nhiều người trả lời đó là do biết dựa vào Sức mạnh mềm (soft power) mà chủ yếu là Công nghệ thông tin (IT) và Công nghệ sinh học (Biotechnology – Công nghệ sinh học).
Tôi chỉ có điều kiện đến thăm một số các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về Công nghệ sinh học và chứng kiến họ đang có một trình độ rất cao, với hiệu quả rất lớn. Muốn có Công nghệ sinh học phát triển họ đã rất coi trọng nghiên cứu cơ bản. Chẳng hạn Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật ở Viện nghiên cứu thực phẩm (FIRDI) thực sự thuộc loại nhất châu Á với 20 000 chủng vi sinh vật và các vector di truyền. Trung tâm nghiên cứu Công nghệ sinh học nông nghiệp (ABRC) với một cơ sở nghiên cứu khám phá nguồn gen thật là hiện đại gắn liền với việc nâng cao năng suất và chất lượng nông phẩm. Tại đây tôi được tặng 2kg gạo thơm mà các bạn khẳng định là ngon nhất và đắt nhất so với các loại gạo trên thế giới (chuyên dành để xuất khẩu sang Mỹ và Nhật). Các chuyên gia hầu hết được đào tạo tại nước ngoài và các công trình nghiên cứu hầu hết đều được công bố trên các tạp chí lớn trên thế giới .
Tại Công ty Nông Hữu (Known-You) tôi được chứng kiến biết bao sản phẩm mà Công ty này đã bán hạt giống tạp giao (chỉ dùng được một vụ) cho khắp thế giới. Nông dân ta mua 1000 đồng 1 hạt giống đu đủ Hồng Phi mà không có đủ để mua, vì mỗi cây cho đến 30 – 40 quả lớn với độ đường cao tới 16%. Tôi vào thăm một nhà kính nóng tới 400C vì họ đang tuyển chọn các giống hoa, giống dưa …chịu nhiệt (!)
Công nghệ sinh học ở Đài Loan đã có các mốc chiến lược quan trọng sau đây:
Năm 1980 thành lập các Công ty Công nghệ sinh học. Năm 1982 Chính phủ xác định Công nghệ sinh học là một trong 8 hướng phát triển ưu tiên.
Năm 1995 Chính phủ thông qua chính sách Tăng cường phát triển các doanh nghiệp Công nghệ sinh học, chính sách Đào tạo và sử dụng nhân tài Công nghệ sinh học.
Năm 2006 công bố Đánh giá về hiệu quả và công nghệ của Chương trình KHCN quốc gia về Công nghệ sinh học nông nghiệp.
Năm 2006 cũng công bố chủ trương Thúc đẩy Công nghiệp hóa Công nghệ sinh học nông nghiệp và chủ trương Khả năng cạnh tranh và xu hướng năng động của công nghiệp Công nghệ sinh học.
Năm 2007 công bố Khảo sát về Công nghệ biến đổi gen ở Đài Loan. Cũng năm 2007 công bố chính sách Thúc đẩy Công nghiệp hóa Công nghệ sinh học nông nghiệp và Xây dựng Chiến lược cương lĩnh Thương mại hóa Công nghệ sinh học nông nghiệp.
Năm 2008 công bố Tầm nhìn và chiến lược Kế hoạch hóa công nghiệp Công nghệ sinh học. Năm 2008 công bố tiếp Đánh giá về hiệu quả và công nghệ của Chương trình KHCN quốc gia về Công nghệ sinh học nông nghiệp …
Nhờ các chính sách ưu tiên của Chính phủ dành cho Công nghệ sinh học mà năm 2004 ở Đài Loan đã có 238 công ty Công nghệ sinh học chuyên đi sâu vào Sinh học phân tử, genom, tin sinh học, dược phẩm phân tử, chíp sinh học và protein dùng trong trị liệu.
Năm 2007 các doanh nghiệp Công nghệ sinh học Đài Loan đã thu được 191 tỷ Đài tệ – NT$ (hiện nay 35 NT$ bằng khoảng 1 USD), tăng 7% so với năm 2006. Trong số này các thiết bị Công nghệ sinh học y học thu được 74,9 tỷ NT$, thuốc men Công nghệ sinh học – 68 tỷ NT$, các sản phẩm khác – 48,3 tỷ NT$. Số doanh nghiệp Công nghệ sinh học năm 2007 đã là 1116 đơn vị . Đáng chú ý là các thành tựu Công nghệ sinh học trong lĩnh vực Dược học.
Năm 2007 doanh thu về Công nghệ sinh học trong lĩnh vực tân dược là 41,4 tỷ NT$, nguyên liệu dược là 20,5 NT$, và đông dược là 6,1 tỷ NT$. Ngay từ năm 1997, doanh thu về các sản phẩm Công nghệ sinh học mới ở Đài Loan đã đạt đến khoảng 14,7 tỷ NT$ và đến năm 2005 đã tăng lên đến 80 tỷ NT$ (2,5 tỷ USD). Nhà nước và các doanh nghiệp đã bỏ ra 10 tỷ NT$ để xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm về Công nghệ sinh học.
Các doanh nghiệp Công nghệ sinh học thu được nhiều doanh thu lớn về dược phẩm ở Đài Loan là Taiwan Advance Bio-Pharm, Inc., GlycoNex, Inc., Monogen Biotechnology, Inc. Sản phẩm của các công ty này rất phong phú, bao gồm các kit chẩn đoán bệnh, các dược phẩm mới chống nhiễm khuẩn, các vaccin thế hệ mới, kể cả vaccin chống ung thư …
Năm 2001 DCB đã triển khai Chương trình độc tố học tiền lâm sàng và về sau đã chuyển giao công nghệ cho các nước ở Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ.
Từ năm 2004 Nhà nước đã xây dựng Trung tâm phát triển Công nghệ sinh học (DCB) ở Đài Bắc (thuộc Bộ Kinh tế) với 350 cán bộ nghiên cứu và được trang bị phương tiện ở mức hiện đại. DCB chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp tư nhân về Công nghệ sinh học. Trong 10 năm gần đây các điều trị lâm sàng và tiền lâm sảng ở Đài Loan được xác nhận là rẻ hơn so với ở Mỹ và Châu Âu.
Do hợp tác với các công ty trong và ngoài nước, Bộ Kinh tế Đài Loan đã xây dựng Văn phòng Công nghiệp Công nghệ sinh học và Dược học để phối hợp các hoạt động thực tiễn. Đài Loan đã xây dựng các Công viên Công nghệ sinh học (biotechnology parks) như Công viên Neihu ở Đài Bắc, và Công viên ở khu công nghiệp Wu-ku …
Đài Loan cũng đã xây dựng Hiệp hội Công nghệ sinh học Đài Loan – Mỹ (TABA) để hợp tác nghiên cứu và sản xuất. Gần đây lại thành lập tổ chức Công nghệ sinh học TaiGen gồm 100 nhà nghiên cứu, trong đó có 75 nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Canada và Châu Âu để hợp tác nghiên cứu về thiếu máu cục bộ, về ghép nội tạng, về ung thư và về bệnh SARS.
Các nhà khoa học thuộc TaiGen đã sử dụng Công nghệ kích hoạt thụ thể hoạt tính (CART) để tạo ra nhiều dược phẩm mới.
Tổ chức Công nghệ sinh học Medigen đã nghiên cứu về ung thư và tìm ra các Bio – Marker để chẩn đoán nhanh các gen ung thư nhằm nâng cao hiệu quả điều trị. Khoảng 100 gen liên quan đến ung thư đã được phát hiện nhờ các chip sinh học (biochips). Các chíp sinh học này giúp xác định nhanh các kiểu ung thư, gia đoạn ung thư với số lượng máu sử dụng rất ít.
Năm 2000 các nhà khoa học Đài Loan còn thành lập đơn vị AbGenomics để giúp triển khai phương pháp Mabs trong điều trị ung thư, dị ứng, bệnh tự miễn và hen suyễn …
Công nghệ sinh học thực phẩm phát triển rất mạnh mẽ ở Đài Loan. Viện Nghiên cứu và phát triển Công nghiệp thực phẩm (FIRDI) ở Đài Loan được thành lập từ năm 1965 và hiện là một trung tâm nghiên cứu đa ngành, làm cơ sở cho mọi lĩnh vực chế biến, bảo quản thực phẩm ở Đài Loan. Từ năm 2007 Viện đã có 359 cán bộ nghiên cứu, trong đó có 46 tiến sĩ và 175 thạc sĩ. Viện vừa nghiên cứu vừa tự sản xuất rất nhiều sản phẩm trên các thiết bị công nghiệp trước khi chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp khác. Ngoài các thực phẩm truyền thống Viện đã nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm mới như N-acetylgalactosamine, các enzym, các thực phẩm chức năng hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, chống tiểu đường, giảm mỡ máu, hỗ trợ hệ tim mạch, chống viêm, hạn chế tác hại của hóa trị liệu …
Công nghệ thực phẩm ở Đài Loan đem lại những doanh thu rất lớn. Bột ngọt theo công nghệ mới có thể thu được năng suất tới 150g/1 lit dịch lên men, Lysine đạt năng suất 100g/lít. Ngoài ra còn có các sản phẩm của vi khuẩn lactic, chitine, anka koji, rất nhiều các loại nấm ăn và nấm dược liệu (kể cả Đông trùng hạ thảo),… Doanh thu về bột ngọt là khoảng 5 tỷ NT$, các thực phẩm xuất khẩu khác đạt doanh thu trên 3,5 tỷ NT$.
Về đào tạo Đài Loan hiện đã có 158 trường Đại học với 22.000 sinh viên đã tốt nghiệp và 166.000 sinh viên đang học tập về Công nghệ sinh học. Bốn trường Đại học công lập đã liên kết với Viện nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia (NHRI) và Trung tâm Quốc gia Máy tính hiệu suất cao (NCHC) để hình thành nên Viện Tin sinh học Đài Loan.
Chính phủ đã xây dựng Chương trình nghiên cứu Quốc gia về Genom y học bằng cách liên kết 10 Trung tâm và Viện nghiên cứu trọng điểm, đồng thời hỗ trợ ngay 30 triệu USD.
Trung tâm nghiên cứu Genom Hsiao đã được Chính phủ hỗ trợ mỗi năm 8 triệu USD suốt từ năm 2002 đến 2005. Rõ ràng là nếu đầu tư đủ tầm và có đủ cán bộ giỏi thì mới có thể tạo ra được những thành tựu có giá trị cao. Viện nghiên cứu thực vật thuộc Viện hàn lâm Đài Loan đã được chính thức tham gia Dự án quốc tế giải mã bộ gen lúa. Phối hợp với các phòng thí nghiệm nước ngoài, các nhà khoa học Đài Loan đã thành công trong việc nghiên cứu genom của nhiều vi sinh vật, thực vật, muỗi và nấm Linh Chi… Việc đưa nghiên cứu sinh và thực tập sinh ra đào tạo ở nước ngoài được Chính phủ và các Doanh nghiệp ở Đài Loan hết sức quan tâm.
Việc trọng dụng Hoa kiều cũng được Đài Loan hết sức trọng thị. Giáo sư Mỹ gốc Hoa Yuan-Tseh Lee, người được giải thưởng Nobel hóa học năm 1986 đã về Đài Loan từ năm 1994 và trở thành người lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học Đài Loan. Ông đã góp phần thúc đẩy sự phát triển Công nghệ sinh học ở Đài Loan và chủ trì Chương trình nghiên cứu Quốc gia về Genom Y học.
Rõ ràng khi có một đường lối đúng, một quyết tâm cao, một sự đầu tư thỏa đáng cho các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, triển khai, thì một lãnh thổ nhỏ bé như Đài Loan cũng đã có thể biến Công nghệ sinh học thành sức sản xuất trực tiếp, không những góp phần thỏa mãn các nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đủ khả năng tạo ra nhiều sản phẩm (sản xuất trong hay ngoài nước) để xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Theo GS.TS. Nguyễn Lân Dũng – http://iasvn.org/homepage/Dai-Loan-but-pha-len-nho-Cong-nghe-sinh-hoc-1848.html