Ngày 20 tháng 02 năm 2014 tại Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) đã tổ chức Hội thảo “Triển vọng cây trồng biến đổi gen năm 2013”.
Hội thảo nhằm phổ biến thành tựu khoa học và công nghệ sinh học mới nhất và các kết quả ứng dụng nổi bật của công nghệ sinh học trong nông nghiệp vào sản xuất và đời sống thuộc “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”.
Theo công bố mới nhất của ISAAA, năm 2013 đã có trên 18 triệu nông dân ở 27 nước canh tác cây trồng biến đổi gen, tăng 5 triệu ha, tương đương 3% diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen toàn cầu. Năm 2013 cũng đánh dấu việc đưa vào canh tác đại trà lần đầu tiên đối với giống ngô chịu hạn tại Hoa Kỳ.
Diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu đã tăng từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên hơn 175 triệu ha trong năm 2013. Trong thời gian 18 năm này, theo báo cáo, diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen đã tăng hơn 100 lần. Hoa Kỳ tiếp tục là nước đứng đầu về diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen với 70,2 triệu ha, chiếm 40% diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu. Diện tích canh tác ở các nước đang phát triển tiếp tục mở rộng. Tỷ trọng diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen của nông dân Mỹ La tinh, châu Á và châu Phi lên tới 54% trong tổng diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen toàn cầu (tăng 2% so với năm 2012), do đó làm gia tăng chênh lệch về diện tích canh tác giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển từ khoảng 7 triệu năm 2012 lên đến 14 triệu ha vào năm 2013. Tính chung Nam Mỹ đã trồng 70 triệu ha hoặc chiếm 41%; Châu Á trồng 20 triệu ha, chiếm 11%; và châu Phi trồng hơn 3 triệu ha, chiếm 2% diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen toàn cầu.
Theo báo cáo, hơn 90% nông dân trồng cây trồng biến đổi gen tương đương 16,5 triệu người là nông dân có quy mô nhỏ và nghèo tài nguyên. Trong số các nước canh tác cây trồng biến đổi gen có 8 nước công nghiệp và 19 nước đang phát triển. Đây là năm thứ 2 diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen của các nước đang phát triển nhiều hơn so với các nước công nghiệp, cho thấy sự tự tin và sự tin tưởng của hàng triệu nông dân trên toàn thế giới, những người có xu hướng không thích rủi ro trong đầu tư, đã hưởng lợi từ cây trồng này. Báo cáo cho biết gần 100% nông dân thử trồng cây biến đổi gen tiếp tục trồng chúng hàng năm.
Tình trạng của cây trồng biến đổi gen tại Liên minh châu Âu:
Diện tích canh tác khiêm tốn tại Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên 15% từ năm 2012 sang năm 2013. Năm quốc gia EU trồng 148.013 ha ngô, tăng 18.942 ha so với năm 2012. Tây Ban Nha dẫn đầu EU với diện tích kỷ lục 136.962 ha trồng ngô, tăng 18% so với năm 2012. Romania duy trì diện tích trồng tương tự năm 2012. Bồ Đào Nha, Séc và Slovakia trồng ít ngô biến đổi gen hơn năm 2012, theo báo cáo là do trở ngại về thủ tục của EU đối với người trồng.
Để xem thêm chi tiết, tải tài liệu theo đường dẫn sau:
1. Hiện trạng cây trồng biến đổi gen năm 2013.
2. Mười điểm nổi bật của cây trồng biến đổi gen năm 2013.
Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học