Hội thảo chia sẻ về biến đổi gen và đa dạng sinh học

Trong ba ngày, từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 8 năm 2017, tại Hà Nội,  Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng đã tổ chức hội thảo “Chia sẻ về biến đổi gen và đa dạng sinh học”. Mục tiêu quan trọng của Hội thảo là giúp nhận diện rõ thực trạng của cây trồng BĐG và GMO trong nỗ lực bảo tồn nguồn gen bản địa và đa dạng sinh học trong khu vực và trên thế giới.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện cho nông dân đến từ các nước Philippines, Lào, Thái Lan và nông dân nước chủ nhà Việt Nam. Hội thảo nhằm tăng cường khả năng nhận diện nguy hại của giống ngô biến đổi gen ở vùng núi để người nông dân Việt Nam nói riêng các nước trong vùng nói chung có thể liên kết loại bỏ giống ngô biến đổi gen, đồng thời chỉ ra cách bảo vệ và làm giàu các giống ngô, lúa, đậu tương ở Việt Nam bằng cách thúc đẩy các ngân hàng giống cộng đồng ở những nơi giàu tri thức bản địa, nơi có hệ sinh thái đa dạng, bằng cách vận dụng tri thức và kinh nghiệm của nông dân các nước Philippines, Lào, Thái Lan chia sẻ. Để hiểu rõ vai trò của giống biến đổi gen trong tương lai ngành nông nghiệp, ta cần nhìn lại nguồn gốc của việc công nghiệp hóa nông nghiệp trong cái gọi là nông nghiệp xanh hay cách mạng xanh mà điển hình là công nghiệp biến đổi gen thường được gọi là nông nghiệp xanh lần thứ 2 hay thậm trí là nông nghiệp gen. Kết quả là có tăng sản lượng ngũ cốc nhưng phải trả giá ô nhiễm môi trường, vấn đề sức khỏe, phá hoại các cộng đồng canh tác truyền thống, tăng bất bình đẳng xã hội, tập trung hóa sự kiểm soát hệ thống lương thực trên toàn thế giới trong tay các tập đoàn lớn, nhất là tập đoàn Monsanto, làm mất mát đa dạng sinh vật trong nông nghiệp và tri thức canh tác truyền thống. Ở Việt Nam việc canh tác các loài rau truyền thống, khai thác rau hoang dại chủ yếu do các hộ nông dân nhỏ lẻ thực hiện và chưa được định hướng thương mại trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay nhiều loài rau bản địa  đã và đang trở thành các đặc sản có triển vọng thương mại thu lợi nhuận cao. Rau bản địa giàu dinh dưỡng, dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt và thích nghi cao với điều kiện sinh thái khắc nghiêt. Vì vậy, chúng có thể trở thành các nguồn gen quý cho việc cải thiện gen của các giống rau trồng, đặc biệt là các loài giống ở các vùng đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Tại các vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi, các địa phương hay bị bão lụt ở miền Trung, các giống rau truyền thống và rau hoang dại có giá trị không chỉ làm thực phẩm cung cấp cho bữa ăn hàng ngày mà còn là cây dược liệu quý bảo vệ sức khỏe, cung cấp chủ động trực tiếp cho các địa phương kinh tế xã hội còn khó khăn. Mặc dù có giá trị như vậy nhưng tính đa dạng và độ phong phú của các loại rau này đang bị giảm sút bởi các tác động của môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, việc đánh giá đúng thực trạng bảo tồn và sử dụng rau bản địa ở nước ta và đưa ra các khuyến nghị  nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại là rất cần thiết và hữu ích đối với các tổ chức và cá nhân đang nỗ lực quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này vì sức khỏe và sinh kế của con người trong bối cảnh môi trường biến đổi.  

Theo Truyền hình báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam