Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, sáng 22/5, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam.”
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Nguyễn Văn Tài và Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ TN&MT; các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam; Lãnh đạo Ban quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia các tỉnh/thành phố Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi; đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt có sự tham dự của GS.TSKH, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN Đặng Huy Huỳnh.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học nhấn mạnh “Việt Nam là một trong 12 quốc gia được xem như là trung tâm đa dạng sinh học, là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nhanh chóng về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên đất, tình trạng rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Hưởng ứng Chủ đề Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học ngày 22 tháng 5 năm 2024 “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” do Liên hợp quốc phát động, Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đánh giá tiến độ cũng như nhận diện những cơ hội và thách thức đối với các mục tiêu rất cấp bách, tham vọng nhưng cũng vô cùng cần thiết của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NBSAP) ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, đại diện Cục BTTN&ĐDSH đã có bài trình bày chung về triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NBSAP) ở Việt Nam. Theo đó, giữa GBF và NBSAP có nhiều sự tương thích với nhau. Hiện các bên liên quan đang tập trung nỗ lực để gia tăng tỷ lệ các chỉ tiêu giám sát và đánh giá chiến lược đến năm 2030 của NBSAP và cũng sẽ góp phần hiện thực hóa GBF, trọng tâm như: tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền so với diện tích lãnh thổ đất liền (năm 2025 đạt 7,7%; năm 2030 đạt 9%); tăng số lượng khu dự trữ sinh quyển thế giới được thành lập và công nhận mới (năm 2025 có 2 khu; năm 2030 có 4 khu); tỷ lệ các hệ sinh thái tự nhiên suy thoái được phục hồi (năm 2025 đạt 10%; năm 2030 đạt 20%)…
Hội thảo cũng đã được nghe các bài trình bày về các chương trình, dự án, sáng kiến đang triển khai đóng góp vào thực hiện GBF ở Việt Nam của Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) tại Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT đã giới thiệu về những hoạt động, nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong việc bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn trong thời gian qua, cũng như những khó khăn, thách thức trong thời gian tới đây. Trong đó đã nhấn mạnh địa phương có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như Sao la, Hổ, Voi, Voọc chà vá, Mang Trường Sơn, Sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển… được xếp vào nhóm địa phương có tính đa dạng sinh học cao trong cả nước. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam đang ngày càng lớn bởi vấn đề ô nhiễm; khai thác, sản xuất và tiêu dùng quá mức; săn bắt và buôn bán trái phép các loài hoang dã. Cũng theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh sẽ đạt 61%. Đến năm 2030, Quảng Nam sẽ có 14 khu bảo tồn trên cơ sở kiện toàn 8 khu bảo tồn hiện có và thành lập mới 6 khu bảo tồn. Đến thời điểm đó, khu bảo tồn sẽ chiếm 17% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, ngoài ra địa phương cũng quy hoạch 3 vùng đất ngập nước quan trọng và thành lập thêm hành lang bảo tồn đa dạng sinh học.
Bà Lê Thị Thủy Trinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN bày tỏ việc thực hiện hiệu quả GBF sẽ đóng góp vào thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
“Hiện nay vẫn còn tình trạng một số hệ sinh thái rất quan trọng bị tác động, can thiệp và việc phát triển kinh tế – xã hội làm biến dạng, tổn thương. Bộ TN&MT, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để tăng cường giám sát, giúp đỡ cho các địa phương để các hệ sinh thái không còn tình trạng ngày một nghèo kiệt. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế cần hướng dẫn địa phương ngăn cản suy thoái hệ sinh thái, phân vùng đa dạng sinh học, đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng vùng theo đặc tính sinh thái, góp phần phát huy vai trò của cộng đồng, phát huy văn hoá cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học”, GS-TSKH. Đặng Huy Huỳnh nói.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh phát biểu tại Hội thảo
Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của Hội thảo hết sức ý nghĩa này và cho rằng các nội dung, ý kiến đưa ra tại Hội thảo đều thể hiện hành động cụ thể, thiết thực để bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương để duy trì giá trị đa dạng sinh học, hướng đến cuộc sống hài hòa với thiên nhiên.
TS.Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cảm ơn các ý kiến phát biểu giá trị, tâm huyết về những nội dung liên quan đến chủ đề Hội thảo của các đại biểu tham dự. Đồng thời, mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức trong nước và quốc tế cùng chung tay thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở cả cấp trung ương và địa phương, cộng đồng. Trong đó, trọng tâm là hình thành được cơ chế, công cụ, biện pháp quản lý, bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học một cách hiệu quả, bền vững; tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện; tăng cường nguồn lực; thúc đẩy công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong cải thiện sinh kế bền vững; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực gây suy giảm đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên nhằm góp phần tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Khung đa dạng sinh học toàn cầu ở Việt Nam./.
NBCA