Đối với tất cả các gien có chứa một đặc điểm mong muốn, nhiều đột biến không mong muốn lại xuất hiện – đây là một trở ngại chung cho các nhà lai tạo giống. Khi biết chính xác vị trí của những đột biến xấu trong hệ gien, các nhà nghiên cứu có thể áp dụng công nghệ chỉnh sửa gien mới cho phép cắt giảm chính xác các lỗi này.
Edward Buckler, nhà nghiên cứu di truyền học thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết: “Công nghệ này cho phép chúng ta nhận ra những đột biến xấu và loại bỏ chúng ra khỏi hệ gien”.
Với việc chỉnh sửa bộ gien, các gien không mong muốn có thể được thay thế bằng một biến thể tốt. Nghiên cứu tập trung vào việc tái tổ hợp, một quá trình xáo trộn gien tự nhiên, trong đó các phần của bộ gien từ bố mẹ được đưa vào thế hệ con.
Eli Rodgers-Melnick, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Nếu sự tái tổ hợp không xảy ra trong một khu vực của ADN, các đột biến tốt không có cơ hội để hợp lại với nhau. Đồng thời, đột biến xấu có thể bị lẫn vào các đột biến tốt”.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích các dấu hiệu trong bộ gien của 7.000 giống ngô đại diện cho sự đa dạng của cây ngô – để xác định nơi sự lai giống xảy ra trong đó các khu vực của bộ gien có thể hợp lại với nhau thành một nhóm. Các nhà khoa học phát hiện ra quá trình này rất giống nhau trên tất cả các giống ngô.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các vùng của bộ gien ngô với tỷ lệ tái tổ hợp thấp nhất cũng chứa số lượng lớn nhất của đột biến xấu. Điều này có nghĩa là các phần của bộ gien ngô có chứa nhiều đột biến không mong muốn cũng sẽ là các khu vực khó khăn nhất để cải tạo bằng các kỹ thuật lai tạo thông thường.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng chỉnh sửa gien là khác với biến đổi gien (việc đưa các gien từ bên ngoài vào hệ gien). Nhà nghiên cứu Buckler cho biết: “Chúng tôi không giới thiệu các gien mới mà sửa chữa chính xác những đột biến xấu ở bộ gien của cây ngô. Mỗi giống ngô có vài trăm đến hàng ngàn đột biến xấu”. Các nhà khoa học hy vọng kỹ thuật này sẽ giúp tăng sản lượng ngô – một trong những loại cây lương thực quan trọng nhất trên thế giới.