Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng, và phong phú được ghi nhận trên thế giới. Sự đa đạng, phong phú được thể hiện không chỉ bằng sự có mặt của những loài động, thực vật hoang dã, quý, hiếm với nguồn gen đặc hữu, cá biệt; mà còn ở nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; với các tri thức truyền thống về các loài cây, con làm thuốc vô cùng quý báu. Nguồn tài nguyên này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt đối với nước ta, khi quá trình sản xuất vẫn còn dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và thực trạng nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế.
Với những giá trị to lớn mà nguồn tài nguyên di truyền mang lại, chúng được ví như là nguồn “vàng xanh” của quốc gia. Sự phát triển như vũ bão gần đây của ngành công nghệ sinh học, công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm có thể đem lại những lợi nhuận khổng lồ từ việc tiếp cận và sử dụng nguồn gen. Điều này có thể góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước một cách bền vững, đồng thời bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên, nhất là khi nguồn gen là nguồn tài nguyên có thể tái tạo, trong tương lai có thể thay thế cho các nguồn nguyên liệu hóa thạch (không tái tạo) như than đá, dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản… đang ngày càng cạn kiệt.
Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam nhận thức về vai trò, giá trị của nguồn gen, việc tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen còn rất hạn chế. Tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen còn là một vấn đề mới ở nước ta, dù trên thế giới vấn đề này được biết đến từ thập kỷ trước. Thực tế, nhiều nguồn gen quý hiếm, đặc hữu của chúng ta đã bị thất thoát ra nước ngoài, nhiều nguồn gen giá trị cao của đất nước đã bị tiếp cận, khai thác không có sự chia sẻ lợi ích một cách công bằng mà chúng ta đã không biết và cũng chưa có khung pháp lý để điều chỉnh hiệu quả. Dù Luật Đa dạng sinh học đã được ban hành năm 2008 và Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học cũng đã có các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích nhưng những quy định này mới chỉ là các quy định khung, mang tính nguyên tắc, vẫn còn nhiều hạn chế khi triển khai vào thực tế.
Trong bối cảnh đó, Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Tổ chức HELVETAS Swiss Intercooperation Việt Nam (Dự án BioTrade) và các chuyên gia xây dựng và hoàn thiện “Tài liệu đào tạo, tập huấn về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (ABS)”. Mục tiêu của hoạt động này nhằm cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu biết về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen cho các bên liên quan; đồng thời góp phần tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen cho các cán bộ quản lý các cấp.
Các nội dung trong 03 chương này là những kiến thức cơ bản nhằm cung cấp cho giảng viên và học viên những thông tin cơ bản về đa dạng sinh học của Việt Nam; khái niệm, các thuật ngữ trong nước và quốc tế về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; mô tả và minh họa cơ chế về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, giải thích vai trò và sự tham gia của các bên liên quan khác nhau trong cơ chế về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; khái quát cơ bản các quy định pháp luật điều chỉnh trực tiếp về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.
Đây là lần đầu tiên cuốn “Tài liệu đào tạo, tập huấn về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen” được biên soạn nên không thể tránh khỏi những sai sót. Cuốn tài liệu sẽ được tiếp tục cập nhật, điều chỉnh trong suốt quá trình đào tạo, tập huấn. Nhóm soạn thảo rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc, những người tham gia các khoá đào tạo, tập huấn cùng với kinh nghiệm và các bài học được chia sẻ qua quá trình triển khai thực tế để lần tái bản sau được tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn!
Nhóm soạn thảo
Tải tài liệu tại đây