Ứng dụng bông vải biến đổi gen ở Việt Nam

Đầu những năm 2000, các chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam sang Ấn Độ để hỗ trợ về kỹ thuật trồng bông vải. Chỉ 1 thập kỹ sau, quốc gia “học trò” Ấn Độ đã chuyển mình ngoạn mục, ghi danh vào danh sách những quốc gia xuất khẩu bông vải hàng đầu…

 

Trong khi đó, Việt Nam cũng nằm trong bảng xếp hạng nhóm 10 quốc gia, nhưng thuộc nhóm nhập khẩu.Chúng ta hãy cùng nhìn lại con đường tơ lụa của sự đột phá mang tên Ấn Độ và bài học cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, một trong những chủ đề “nóng” nhất hiện nay.

Thành công gắn với sự xuất hiện của bông vải biến đổi gen

Tính đến năm 2009, sau 8 năm kể từ khi cây bông vải biến đổi gen được thương mại tại Ấn Độ, các con số thống kê về diện tích và số lượng nông dân sử dụng giống bông vải này đều tăng cao đến ngưỡng kỷ lục. Những báo cáo và con số thống kê ở cấp độ vĩ mô đã chỉ ra rằng, bông vải biến đổi gen và sự phát triển mạnh mẽ của nó gắn liền với cuộc cách mạng trong ngành sản xuất bông vải, từ vị trí quốc gia nhập khẩu nhảy vọt lên vị thế quốc gia xuất khẩu bông vải lớn nhất toàn cầu và sản xuất vải lớn thứ hai thế giới.

Về vi mô, xét ở cấp độ nông hộ, thu nhập bình quân của nông dân cũng có sự thay đổi ngoạn mục: thu nhập nông dân trồng bông vải biến đổi gen tại Ấn Độ tăng lên gần 4 lần so với trồng bông vải truyền thống.

Bông vải là cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính của gần 60 triệu người dân Ấn Độ, từ nông dân trồng trọt trên đồng ruộng đến các công nhân. Năm 2002 – năm đầu tiên cây bông vải biến đổi gen chính thức được đưa vào thương mại hóa tại Ấn Độ – tổng diện tích đất trồng bông vải tại quốc gia này là 50.000 ha. Chỉ sau 8 năm, con số này đã tăng lên 168 lần, đạt 8,4 triệu ha, chiếm 87% tổng diện tích bông vải của nước này.

Trong một khoảng thời gian ngắn, bông vải biến đổi gen đã đem về cho nông dân Ấn Độ hơn 5,1 tỉ USD nhờ thu nhập từ sản lượng tăng gấp đôi và chi phí dành cho các thuốc bảo vệ thực vật độc hại được tiết kiệm một nửa.

Bông vải biến đổi gen không trực tiếp sản xuất ra thực phẩm nhưng nhờ nguồn thu nhập tăng thêm ổn định này, người dân Ấn Độ đã có thể trang trải cho các khoản chi cho thực phẩm cho gia đình.

Lối đi nào cho Việt Nam?

Nhìn “con đường tơ lụa” của ngành sản xuất bông vải tại Ấn Độ và vị trí xếp hạng “nhập khẩu bông vải hàng đầu” của một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, không ít người đặt câu hỏi: Vì sao Việt Nam phải đối mặt với sự thụt lùi, trong khi cả ngành dệt may và nông nghiệp đều là những ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước? Trong khi bài học từ Ấn Độ đã chỉ ra rõ ràng rằng bông vải biến đổi gen mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho nông dân và đất nước Ấn Độ. Việt Nam cũng đã lên kế hoạch ứng dụng cây trồng này hơn nửa thập kỷ nay những chưa biết khi nào nông dân Việt Nam mới được tiếp cận với giống cây trồng công nghệ cao nói trên? Càng mơ hồ hơn với viễn cảnh về “chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất bông vải”.

Một thập kỷ nữa kể từ ngày hôm nay, chúng ta ở vị thế nào bắt đầu chính từ thái độ sẵn sàng tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, không chỉ trong nông nghiệp mà còn trong chuỗi liên kết các ngành để đón đầu những khó khăn phát triển hài hòa và tăng trưởng bền vững.

Theo Công Thương