Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau) – Nguồn: https://vuonqgmcm.camau.gov.vn/
Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau được thành lập theo quyết định số 142/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 14 tháng 7 năm 2003 trên cơ sở nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi (thành lập theo quyết định số 194/CT, ngày 9 tháng 8 năm 1986).
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nằm trên địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) có diện tích hơn 41.800 ha. Đây là vùng đất ngập mặn ven biển, tuy không đa dạng về chủng loài nhưng có những đặc thù riêng về hệ động, thực vật. Vườn có 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 233 loài thủy sản. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như bồ nông chân xám, cò trắng Trung Quốc, giang sen, rái cá, rùa hộp lưng đen, cầy giông đốm lớn, rùa răng, rùa ba gờ, rùa cổ bự, ba ba Nam Bộ,…
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một trong 3 khu vực vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau, được công nhận năm 2009 (bao gồm: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và dãy phòng hộ ven Biển Tây).
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là khu Ramsar năm 2013.
Chức năng chủ yếu của VQG Mũi Cà Mau là bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước, hạn chế xói lở, thúc đẩy quá trình bồi tụ bờ biển,…Bên cạnh đó, VQG còn là nơi tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái, hợp tác quốc tế; thực nghiệm các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái rừng ngập mặn,… Qua đó cải thiện điều kiện sinh sống của người dân trong vùng, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị của rừng và các phương pháp sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước.