DI SẢN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI

Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, gọi tắt là Công ước DSTG được Đại hội đồng Liên hợp quốc chấp nhận ngày 16/11/1972. Đây là Công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo vệ di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, bảo đảm mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với nhiên nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Công ước giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chỉ DSTG mà còn bảo vệ các di sản văn hóa của mỗi quốc gia. Di sản thế giới (DSTG) được phân thành ba loại: di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp.

Tính đến tháng 7 năm 2019, có 1.121 DSTG được liệt kê (869 di sản văn hóa, 213 di sản tự nhiên và 39 di sản hỗn hợp), tồn tại trên 167 quốc gia. Việt Nam đã được công nhận 22 DSTG, trong đó có 02 DSTN và 01 di sản hỗn hợp.

Về miền cổ tích (Ảnh chụp tại Vân Long thuộc Quần thể danh thắng Tràng An) – Tác giả Bùi Đăng Thanh

Các tiêu chí công nhận di sản thiên nhiên thế giới

Để được ghi vào danh sách DSTG của UNESCO, một tài sản phải đáp ứng các tiêu chí về văn hoá hoặc thiên nhiên theo Công ước về DSTG quy định.

Một di tích văn hóa phải xác thực, có ảnh hưởng sâu rộng hoặc có bằng chứng độc đáo đối với sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, hoặc di tích đó phải gắn liền với tư tưởng hay tín ngưỡng có ý nghĩa phổ biến, hoặc là điển hình nổi bật của một lối sống truyền thống đại diện cho một nền văn hóa nào đó.

Một di sản thiên nhiên có thể điển hình cho một giai đoạn, các quá trình tiến hóa địa cầu, hoặc cho những biến đổi sinh thái học, hoặc bao gồm những vùng cư trú tự nhiên các loại có nguy cơ tuyệt chủng. Di sản thiên nhiên có thể là một khung cảnh đẹp khác thường, một cảnh quan ngoạn mục, hoặc là một khu bảo tồn số lượng lớn các động vật hoang dã.

Một số tiêu chí đối với di sản thiên nhiên cụ thể như sau:

(VII) – Chứa đựng các hiện tượng, địa điểm tự nhiên hết sức nổi bật hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên độc đáo và tầm quan trọng về thẩm mỹ.

(VIII) – Là những ví dụ nổi bật đại diện cho những giai đoạn lớn trong lịch sử của Trái Đất, trong đó có lịch sử về sự sống, các quá trình địa chất quan trọng đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo, hoặc các đặc điểm quan trọng về địa chất hoặc địa lý tự nhiên.

(IX) – Là những ví dụ tiêu biểu cho quá trình sinh thái và sinh học đang tiếp diễn trong quá trình tiến hoá và phát triển của các dạng địa hình, vùng nước ngọt, biển và ven biển và các quần xã động vật, thực vật.

(X) – Là những nơi cư trú tự nhiên quan trọng nhất và tiêu biểu nhất, mang giá trị bảo tồn nguyên trạng sự ĐDSH, trong đó có những môi trường sống chứa đựng những loài động vật hoặc thực vật đang bị đe dọa, có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm khoa học hoặc bảo tồn.

Sếu đầu đỏ – Ảnh do VQG Lò Gò Xa Mát cung cấp

Ngoài các tiêu chuẩn tự nhiên như trên, những di sản thiên nhiên đó còn phải đáp ứng quy định về tính toàn vẹn và hệ thống quản lý và bảo vệ. Cụ thể như sau:

  • Về tính toàn vẹn: một DSTG tự nhiên đảm bảo tính toàn vẹn là: (i) có chứa tất cả các yếu tố sinh thái, địa chất và/hoặc danh lam thắng cảnh liên quan cần thiết để duy trì các giá trị mà nó đã được liệt kê; (ii) đủ lớn để bao gồm các đặc điểm chính của Giá trị Nổi bật Toàn cầu và duy trì khả năng tồn tại theo thời gian, và (iii) ở trong tình trạng bảo tồn tốt.
  • Về hoạt động bảo vệ và quản lý: Yêu cầu thứ ba được quy định trong Hướng dẫn Hoạt động là mỗi DSTG phải có một hệ thống quản lý và bảo vệ đầy đủ. Kỳ vọng về việc bảo vệ và quản lý hiệu quả là yêu cầu cần đảm bảo bảo vệ được OUV của di sản. Theo hướng dẫn của UNESCO, một khu DSTG không bắt buộc phải là một khu bảo tồn được công nhận. Tuy nhiên, IUCN – cơ quan phối hợp trong đánh giá các tiêu chí của một khu di sản thiên nhiên cho rằng, các tiêu chí đặt ra của UNESCO thường đáp ứng tiêu chí của một khu bảo tồn và hơn nữa, còn cần có các yêu cầu quản lý và bảo vệ cao hơn, tích cực và hiệu quả hơn. Do đó, UNESCO khuyến nghị cần có các cân nhắc về công tác quản lý các di sản bao gồm năng lực quản lý, hệ thống lập kế hoạch cũng như tài chính bền vững.
STT Tên Địa điểm Mô tả
1 Quần thể
danh thắng
Tràng An
Tỉnh
Ninh Bình
Tọa lạc tại phía Nam của Lưu vực sông Hồng, Quần thể danh thắng Tràng An là một quần thể thắng cảnh gồm các núi đá vôi địa hình cacxtơ xen kẽ các thung lũng và các vách đá dốc. Các cuộc khám phá đã chỉ ra rằng nơi đây xuất hiện chứng tích khảo cổ của loài người cách đây hơn 30.000 năm. Quần thể còn bao gồm chùa, đền thờ, ruộng lúa và các làng nhỏ.
2 Vịnh Hạ Long Tỉnh
Quảng Ninh
Vịnh Hạ Long nằm trong Vịnh Bắc Bộ là một quần thể gồm hơn 1.600 đảo lớn nhỏ, tạo nên một phong cảnh tuyệt đẹp giữa biển với những cột đá vôi nhô lên. Hầu hết những hòn đảo đều không có người và không có sự tác động của con người do đặc tính dốc của chúng. Ngoài vẻ đẹp kỳ diệu, vịnh Hạ Long còn sở hữu hệ sinh thái đặc sắc.
3 Vườn quốc gia
Phong Nha – Kẻ Bàng
Tỉnh
Quảng Bình
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có diện tích 126.236 héc ta và có chung đường biên giới với Khu bảo tồn thiên nhiên Hin Namno của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Vườn quốc gia bao gồm các cao nguyên đá vôi và rừng nhiệt đới. Bao gồm các đa dạng địa lý tuyệt vời, nhiều hang động và sông ngầm, vườn quốc gia có một hệ sinh thái phong phú cùng nhiều loài sinh vật đa dạng.