Đây là phát hiện được trình bày tại một hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại Wageningen trong tháng 9. Kết luận được đưa ra từ một nghiên cứu về đặc tính kháng mạnh hơn với nấm Phytophthora thông qua việc sử dụng các gien kháng từ các loài khoai tây hoang dã (DuRPh). Nghiên cứu được tài trợ bởi chính phủ Hà Lan trong mười năm qua.
Khoai tây là cây trồng chủ lực phổ biến thứ ba trên toàn thế giới và là cây trồng quan trọng nhất ở Hà Lan. Việc trồng khoai tây đòi hỏi nhiều thuốc trừ sâu hơn so với các cây trồng khác và người trồng chú trọng sử dụng các hóa chất để bảo vệ cây trồng chống lại bệnh mốc sương do nấm Phytophthora gây nên. Mầm bệnh này có rất nhiều biến thể di truyền, có nghĩa là nó liên tục tiến hóa thành hình thức mới. Tác nhân gây bệnh như vậy có thể phá vỡ hệ thống phòng thủ của cây tương đối dễ dàng.
Việc trồng khoai tây thông thường đòi hỏi thuốc diệt nấm phải được sử dụng 10-15 lần một năm để ngăn ngừa bệnh. Điều này gây tác động đến môi trường. Ngoài ra, thiệt hại về năng suất cũng như chi phí thuốc trừ sâu do bệnh thối củ khiến người trồng khoai tây ở Hà Lan tổn thất khoảng 100 triệu Euro mỗi năm, chiếm tới 20% chi phí sản xuất. Trên thế giới, thiệt hại do bệnh thối củ (mất mùa cộng với chi phí giảm thiểu bệnh) lên tới hàng tỷ Euro.
Trong khuôn khổ của nghiên cứu về DuRPh trong mười năm qua, các gien từ khoai tây hoang dã đã được sử dụng thông qua hình thức biến đổi gien để phát triển các giống khoai tây nguyên mẫu có đặc tính kháng bền với bệnh thối củ. Nghiên cứu này cũng đã giúp phát triển việc quản lý đặc tính kháng có hiệu quả, cho phép quan sát sự biến đổi gien của mầm bệnh trên khắp Hà Lan. Sự kết hợp của hai phương pháp này có thể tiết kiệm đến 80% chi phí sử dụng thuốc diệt nấm.
Theo các nhà khoa học quốc tế, kết quả của DuRPh có thể được áp dụng với các cây lương thực quan trọng khác. Có một số loại cây trồng khác mà một hoặc một vài tác nhân gây bệnh cụ thể tạo ra các vấn đề lớn, chẳng hạn như lúa mì và chuối. Ở đây, có khả năng là các loài hoang dã liên quan chặt chẽ có thể có những gien kháng được đưa vào các giống cây trồng quan trọng.
Sự kết hợp thông minh nhiều gien kháng từ các loài liên quan đưa vào các giống cây trồng qua kỹ thuật di truyền, kết hợp với việc giám sát các tác nhân gây bệnh sẽ cho phép duy trì khả năng chống lại dịch bệnh trong dài hạn cho các giống cây này. Các phát hiện khoa học gần đây cho thấy kháng thể sẽ hoạt động lâu hơn nếu tập hợp các gien kháng thuốc có bao gồm các gien đóng một vai trò quan trọng trong sự tương tác giữa các cây trồng và các mầm bệnh.